Giá cà phê Arabica tiếp tục giảm sâu do đồng real Brazil suy yếu

Giá cà phê trong nước hồi phục lên mức 39.200 – 39.700 đồng/kg. Hai sàn giao dịch cà phê thế giới có diễn biến trái chiều.

Giá cà phê tăng sau chuỗi ngày suy yếu

Tại thị trường nội địa, giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên ngày 18/11/2022 tăng trở lại sau chuỗi ngày suy yếu.

Hiện tại, các tỉnh trọng điểm đang thu mua cà phê trong khoảng 39.200 – 39.700 đồng/kg.

Trong đó, mức giá thấp nhất là 39.200 đồng/kg được ghi nhận tại tỉnh Lâm Đồng. Kế đó là tỉnh Gia Lai với mức 39.600 đồng/kg.

Tương tự, sau khi tăng trở lại, giá cà phê tại hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông lên mức 39.700 đồng/kg trong ngày 18/11.

Hiện Việt Nam đang bước vào thời điểm thu hoạch cà phê. Ghi nhận tại các tỉnh trong khu vực, năm nay, cà phê được mùa, tăng cả về số lượng và chất lượng.

Tại cảng TP.HCM, Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% ngày chốt ở 1.878 USD/tấn (FOB), chênh lệch +55 USD/tấn.

Giá cà phê Arabica tiếp tục giảm sâu do đồng real Brazil suy yếu - Ảnh 1.

Giá cà phê Robusta nhân xô trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên từ đầu năm 2022 đến 13/11/2022 (Đơn vị: Đồng/kg. Nguồn: Tổng Cục Hải quan).

Giá cà phê Arabica tiếp tục giảm sâu do đồng real Brazil suy yếu - Ảnh 2.

Giá cà phê tăng 300 đồng/kg tại các tỉnh trọng điểm.

Trên thị trường thế giới, giá Robusta kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn London cộng 26 USD, tương đương 1,45% lên mức 1.818 USD/tấn. Giá Arabica kỳ hạn tháng 03/2023 trên sàn New York giảm tiếp 2,05 cent, tương đương 1,29% xuống mức 156,35 US cent/lb, trước đó giá đã chạm mức thấp nhất 16 tháng ở 154,05 US cent/lb.

Dự báo thời tiết vùng cà phê Tây nguyên sẽ có mưa trên diện rộng, làm cản trở việc thu hoạch và phơi sấy cà phê trong những ngày tới, khiến nguồn cung cho thị trường xuất khẩu sẽ bị chậm lại.

Đồng real Brazil suy yếu kéo giá Arabica tiếp tục giảm sâu trong khi giá Robusta hồi phục trong ngắn hạn, đồng thời tiếp tục khuyến khích doanh số xuất khẩu.

Theo báo cáo của Hội đồng các nhà xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafé), khối lượng xuất khẩu tốt từ nước này và những cơn mưa tiếp tục đổ xuống các vùng trồng cà phê lớn ở phía Nam bán cầu, trong khi lạm phát vẫn còn cao và lãi suất tăng mạnh tại các thị trường tiêu thụ cà phê chính đã tạo ra kịch bản thuận lợi cho việc giảm giá suốt hai tháng qua trên các thị trường cà phê kỳ hạn.

Báo cáo tồn kho tháng 10 tăng 5,8% so với cùng kỳ của Hiệp hội Cà phê Hạt (GCA) Bắc Mỹ cho thấy nguồn cung cho thị trường tiêu dùng lớn thứ hai thế giới vẫn ổn định.

Ngân hàng nông nghiệp Rabobank (Hà Lan) dự đoán, sản lượng cà phê vụ 2022/23 đã thu hái xong đạt 63,2 triệu bao (loại 60kg), giảm 2,01% so với dự báo cũ (gồm 40,1 triệu bao Arabica và 23,1 triệu bao Robusta). Rabobank cũng dự báo vụ cà phê 2023/24 của Brazil có thể tăng 8,39% đạt đến mức 68,5 triệu bao. Theo đó, cà phê thế giới sẽ thặng dư trong năm 2023.

Lợi của các doanh nghiệp cà phê đi ngang hoặc sụt giảm, có công ty thua lỗ

Tính đến hiện tại, các công ty ngành cà phê niêm yết và giao dịch UPCoM đã công bố báo cáo tài chính quý III. So với cùng kỳ năm ngoái, thời điểm dịch Covid-19 đỉnh điểm, doanh thu của hầu hết các công ty niêm yết của ngành đều tăng trưởng. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu đầu vào ở mức cao do áp lực lạm phát, các chi phí tài chính phát sinh tăng khiến lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp cà phê đi ngang hoặc sụt giảm, có công ty thua lỗ.

Đơn cử, Vinacafé Biên Hòa: Lợi nhuận sau thuế quý III đi ngang. Quý III, doanh thu thuần của CTCP Vinacafé Biên Hòa (Mã: VCF) đạt 545 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán gấp 2,2 lần cùng kỳ, lên 499 tỷ đồng, khiến biên lợi nhuận gộp giảm còn 17,7% so với 23,4% quý III/2021. Sau khi khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế của VFC giảm 1% xuống 75 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần VCF đạt 1.498 tỷ đồng; lãi sau thuế gần 212 tỷ đồng; lần lượt tăng 24% và giảm 10% so với cùng kỳ. Với kết quả trên, VCF đã thực hiện được gần 52% chỉ tiêu doanh thu và hơn 35% kế hoạch lợi nhuận năm theo kịch bản tích cực.

Cà phê Thắng Lợi: Lợi nhuận bị bào mòn bởi giá nguyên vật liệu đầu vào. CTCP Cà phê Thắng Lợi (Mã: CFV) báo cáo doanh thu thuần quý III/2022 tăng 37% lên 165 tỷ đồng nhờ tăng doanh số bán hàng. Giá vốn hàng bán tăng mạnh hơn mức tăng của doanh thu thuần do giá mua đầu vào nguyên liệu chính đi lên khiến lãi gộp giảm 58% về 6 tỷ đồng.

Tiết giảm các chi phí, CFV lãi sau thuế 4,6 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của CFV đạt 387 tỷ, tăng 18% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế còn 695 triệu đồng, giảm 93% do giá vốn cao và các chi phí ăn mòn doanh thu.

Với kết quả này, công ty đã thực hiện được 97% kế hoạch doanh thu và gần 18% chỉ tiêu lợi nhuận năm sau 3 quý.

Giá cà phê Arabica tiếp tục giảm sâu do đồng real Brazil suy yếu - Ảnh 3.

Nguồn nguyên liệu đầu vào ở mức cao do áp lực lạm phát, các chi phí tài chính phát sinh tăng khiến lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp cà phê đi ngang hoặc sụt giảm, có công ty thua lỗ.

Cà phê Gia Lai: Thua lỗ do không còn doanh thu từ mảng chuối và áp lực lãi vay. Quý III, doanh thu thuần của CTCP Cà phê Gia Lai (Mã: FGL) đạt 22,4 triệu đồng, giảm 98% so với cùng kỳ do không còn doanh thu từ mảng chuối. Chi phí tài chính tăng mạnh do phát sinh hợp đồng vay vốn với các nhân mới, đồng thời bị tính lãi quá hạn. Trừ các chi phí khác, công ty lỗ gần 3 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 771 triệu đồng.

Lũy kế 3 quý đầu năm, doanh thu thuần của FGL là 4,4 tỷ đồng, giảm 21%. Công ty lỗ sau thuế hơn 9 tỷ, tương đương cùng kỳ. So với kế hoạch doanh thu năm 2022 là 51,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1 tỷ, công ty còn cách xa hai chỉ tiêu trên.

Cà phê Phước An lỗ 4,6 tỷ đồng quý III. Doanh thu thuần của CTCP Cà phê Phước An (Mã: CPA) tăng 7% so với cùng kỳ lên 7,5 tỷ đồng. Giá vốn giảm nên công ty có lãi gộp 1,2 tỷ, cùng kỳ lỗ gộp 276 triệu đồng. Trong quý, công ty phân bổ dự phòng phải thu khó đòi và chi phí thanh lý vườn cây, đồng thời chi phí tài chính phát sinh tăng 64% và các chi phí hoạt động bị đội lên khiến công ty lỗ sau thuế 4,6 tỷ, cùng kỳ lỗ 2,2 tỷ.

Lũy kế 9 tháng, công ty lỗ hơn 6,3 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ 973 triệu đồng cùng kỳ. Doanh thu thuần tăng 39% lên 62 tỷ đồng.

Năm nay, CPA đặt kế hoạch tổng doanh thu 116 tỷ đồng và lỗ 4,9 tỷ đồng. Sau ba quý, công ty mới thực hiện được 53% chỉ tiêu doanh thu.

Minh Khang Capital Trading Public: Kết quả quý III cải thiện dù ngành đối mặt nhiều khó khăn. Doanh thu quý III của CTCP Minh Khang Capital Trading Public (Mã: CTP) đạt 33 tỷ đồng, gấp 2,8 lần cùng kỳ. Giá vốn cũng tăng tương ứng nên lãi gộp còn 401 triệu đồng. Trừ chi phí, công ty lãi sau thuế 129 triệu đồng, gấp hơn 10 lần cùng kỳ. Công ty cho biết ngành phải đối mặt khó khăn, nhưng hoạt động của các đối tác chiến lược có ưu thế nên doanh nghiệp vẫn hoạt động tốt trong quý III.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu của CTP giảm 56% so với cùng kỳ về 33 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 129 triệu đồng, giảm 70%. So với kế hoạch doanh thu năm 2022 là 374 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 5 tỷ, CTP mới thực hiện được lần lượt 9% và 2%.

Dự báo giá cà phê thế giới tiếp tục chịu áp lực giảm giá. Lo ngại kinh tế toàn cầu suy thoái, trong khi các nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới đang hướng tới một vụ mùa kỷ lục trong năm 2023.

Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) lo ngại lạm phát và lương người lao động không tăng kịp sẽ ảnh hưởng đến sức tiêu thụ cà phê tại các chuỗi quán và nhà hàng. Thay vào đó, ICO hy vọng người dân các nước sẽ uống cà phê tại nhà nhiều hơn. Mối lo cho nhóm kinh doanh cà phê đặc sản nhưng là một kỳ vọng tích cực cho nhóm kinh doanh thương phẩm Robusta. Cà phê Robusta có giá rẻ và là nguyên liệu để sản xuất cà phê hoà tan.

Trong khi đó, xuất khẩu cà phê hoà tan của Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh trong những năm trở lại đây. Theo nhận định của ICO, điều này sẽ tác động tích cực đối với cà phê của Việt Nam, qua đó định hình triển vọng mới cho ngành cà phê.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận những tác động của lạm phát của các nước trên thế giới tăng cao đồng thời chính phủ nhiều nước lớn đồng loạt tăng lại suất. Ngoài ra, hiện đang là thời điểm thu hoạch cà phê của Việt Nam. Do đó, ICO cho rằng xu hướng chung cho cà phê Việt Nam trong ngắn hạn vẫn là giảm do chịu tác động tiêu cực của kinh tế vĩ mô và áp lực sản lượng lớn.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 10 đạt 79.833 tấn, trị giá 206,9 triệu USD, giảm 13,7% về lượng và giảm 8,5% về trị giá so với trước. Nhưng tính chung 10 tháng, xuất khẩu cà phê vẫn đạt mức tăng trưởng 10,8% về lượng và tăng 33,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,4 triệu tấn, với giá trị lên đến gần 3,28 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam từ năm 2009 đến 10 tháng đầu năm 2022 (Số liệu: Tổng Cục Hải quan)

Như vậy, mới hết tháng 10 nhưng kim ngạch xuất khẩu cà phê của nước ta đã vượt 0,2 triệu USD so với 3,07 tỷ USD của cả năm 2021. Năm 2022 được xem là một năm tương đối thành công của ngành cà phê Việt Nam khi sản lượng và giá bán đều đạt mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, qua đó tiếp tục giữ vị thế số hai thế giới về xuất khẩu cà phê sau Brazil. (Nguồn: https://etime.danviet.vn)