Áp lực đáo hạn hợp đồng quyền chọn kỳ hạn tháng 12 đã thúc đẩy thị trường cà phê tăng giá mạnh. Trong nước, giá cà phê hôm nay (13/12) cũng bật tăng 400 đồng/kg tại một số tỉnh trọng điểm.
Giá cà phê hôm nay 13/12 quay đầu tăng mạnh
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London trở lại xu hướng tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 1 tăng 19 USD, lên 1.903 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3 tăng 20 USD, lên 1.884 USD/tấn, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 tăng 8,90 cent, lên 167,05 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 tăng 8,45 cent, lên 167,40 cent/lb, các mức tăng rất mạnh. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê tại các tỉnh Tây nguyên tăng 400 đồng/kg, lên dao động trong khung 40.400 – 41.200 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng ghi nhận mức giá thấp nhất là 40.400 đồng/kg. Ba tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum đang giao dịch cà phê với chung mức giá 41.100 đồng/kg. Tương tự, giá thu mua tại Đắk Nông cũng tăng lên mức 41.200 đồng/kg trong hôm nay.
Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva được Tòa Án Bầu cử Cấp cao (TSE) Brasil chứng nhận đắc cử trong buổi lễ diễn ra ngày 12/12. Những tín hiệu do chính phủ mới đưa ra đã khiến nền kinh tế khổng lồ ở Nam Mỹ có những biến động rất đáng kể.
Trong khi đó, thị trường vẫn còn lo ngại rủi ro trước khả năng lạm phát Mỹ và châu Âu sẽ thúc đẩy lãi suất tăng cao tại các phiên họp điều hành tiền tệ sắp tới. Cho dù thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại có thể hỗ trợ sức mua và các tiền tệ mới nổi lấy lại giá trị. Hai sàn cà phê phái sinh đảo chiều tăng còn do đáo hạn hợp đồng quyền chọn kỳ hạn tháng 12 trong tuần này. Chứng khoán Mỹ bật tăng mạnh mẽ trong sự chờ đợi báo cáo Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 để theo dõi các bước tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Sản lượng cà phê của Việt Nam dự kiến giảm 1/5 trong niên vụ hiện tại do mưa kéo dài và mức dinh dưỡng thấp hơn đã ảnh hưởng tới chất lượng hạt cà phê, trong khi giao dịch tại Indonesia yếu do nguồn cung thấp. Trong 11 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu 1,58 triệu tấn cà phê, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước, theo Tổng cục Hải quan.
Nông dân Việt Nam đã thu hoạch gần hết vụ cà phê và kết quả không khả quan lắm. Sản lượng sẽ thấp hơn 20% so với dự báo trước đó. Mưa trong tháng 11 đã cản trở việc thu hái và chế biến cà phê ở một số nơi trong khi cây bị thiếu dinh dưỡng do giá phân bón cao.
Theo một thăm dò của Reuters, Việt Nam dự báo đạt được 30 triệu bao cà phê (loại 60 kg) trong niên vụ 2022/23, giảm nhẹ so với vụ trước. Hoạt động giao dịch ảm đạm do người mua và người bán không đạt được thoả thuận về giá.
Thông tin Liên minh châu Âu (EU) sẽ bắt đầu áp dụng Hiệp ước hạn chế các sản phẩm có xuất xứ từ nguồn gốc phá rừng kể từ năm 2020 cũng khiến lo ngại nguồn cung cà phê cho thị trường tiêu dùng sắp sửa bị hạn chế.
Nguồn cung cà phê niên vụ 2021/22 thiếu hụt khoảng 167,2 triệu bao trong khi nhu cầu tiêu thụ đến 170,83 triệu bao. Niên vụ cà phê 2022/23, cung cầu của thị trường sẽ cần bằng lại, thậm chí cung sẽ cao hơn cầu, theo Tổ chức cà phê thế giới (ICO).
Theo báo cáo, USDA điều chỉnh sản lượng Brazil giảm 2,6% xuống mức 62,6 triệu bao; sản lượng Columbia giảm 3,1% xuống mức 12,6 triệu bao; sản lượng cà phê của Việt Nam giảm 2,2% xuống mức 30,22 triệu bao (bao gồm 29,20 triệu bao cà phê Robusta, giảm 4,20% so với niên vụ 2021/2022 và 1,02 triệu bao cà phê Arabica, tăng 7,27% so với niên vụ 2021/2022).
Tháng 11/2022, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa ổn định. Ngày 28/11/2022, giá cà phê Robusta ổn định ở mức 41.000 – 41.600 đồng/ kg tại các tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk; tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê Robusta tăng nhẹ 100 đồng/kg lên 41.600 đồng/kg.
Theo ước tính, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 11/2022 đạt 110 nghìn tấn, trị giá 267 triệu USD, tăng 37,8% về lượng và tăng 29% về trị giá so với tháng 10/2022, so với tháng 11/2021 tăng 2,6% về lượng và tăng 9,9% về trị giá. Tính chung 11 tháng năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước tính đạt 1,53 triệu tấn, trị giá 3,54 tỷ USD, tăng 10,2% về lượng và tăng 31,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tháng 11/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 2.425 USD/tấn, giảm 6,4% so với tháng 10/2022, nhưng tăng 7,2% so với tháng 11/2021. Tính chung 11 tháng năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 2.309 USD/tấn, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Cơ cấu chủng loại 10 tháng năm 2022, xuất khẩu hầu hết các chủng loại cà phê tăng về lượng so với cùng kỳ năm 2021, ngoại trừ cà phê Excelsa. Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu cà phê Robusta trong 10 tháng năm 2022 đạt 1,26 triệu tấn, trị giá 2,51 tỷ USD, tăng 12,2% về lượng và tăng 35,7% về trị giá; xuất khẩu cà phê chế biến tăng 15,9%, đạt trên 541 triệu USD; xuất khẩu cà phê Arabica tăng 8,0% về lượng và tăng 70% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, đạt 49,75 nghìn tấn, trị giá 219,4 triệu USD. Trong khi đó, xuất khẩu cà phê Excelsa giảm 17,9% về lượng, nhưng tăng 9,8% về trị giá, đạt 1,78 nghìn tấn, trị giá 4,38 triệu USD.
Hiện Việt Nam đang bước vào thời điểm thu hoạch cà phê tại các tỉnh trong khu vực, năm nay cà phê được mùa, tăng cả về số lượng và chất lượng. Giá cà phê được dự báo sẽ không giảm quá sâu những ngày còn lại của năm. Việc doanh nghiệp xuất khẩu gia tăng các sản phẩm cà phê chế biến sâu, được cho là động lực chính giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam khởi sắc và có thể đạt được mục tiêu đặt ra trong năm nay là thiết lập mốc kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD.