Giá cà phê ngày 25/02/2023 tại hai sàn tiếp tục chỉnh giảm. Dòng vốn đầu cơ tiếp tục rút khỏi các tài sản rủi ro do lo ngại Fed sẽ mạnh tay trong việc điều hành lãi suất tiền tệ. Giá cà phê nội địa hôm nay (25/2) tiếp tục giảm với mức điều chỉnh là 200 đồng/kg so với hôm qua.
Giá cà phê hôm nay 25/2: Giảm 200 đồng/kg tại khu vực Tây Nguyên
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp tục chỉnh giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 giảm thêm 10 USD, xuống 2.151 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 giảm thêm 13 USD, còn 2.137 USD/tấn, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 giảm thêm 2,00 cent, xuống 187,70 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 giảm thêm 2,10 cent, còn 186,00 cent/lb, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch cũng ở mức trung bình.
Giá cà phê hôm nay 25/02/2023 tại các tỉnh Tây Nguyên giảm thêm 200 đồng, xuống dao động trong khung 46.800 – 47.300 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng có mức giá thấp nhất là 46.800 đồng/kg. Tiếp đến là Gia Lai với mức 47.200 đồng/kg. Tương tự, giá cà phê tại hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông cũng giảm về mức 47.300 đồng/kg trong hôm nay.
Giá cà phê hai sàn tiếp tục chỉnh giảm do người Brazil đã quay lại thị trường sau kỳ nghỉ lễ hội Carnival. Góp phần khiến giá cà phê kỳ hạn sụt giảm còn do USDX tăng mạnh trở lại đã đẩy giá trị các tiền tệ mới nổi sụt giảm khiến giá cả hàng hóa nói chung sụt giảm theo.
Dữ liệu lạm phát PCE của Mỹ tăng 0,6% trong tháng 1 so với tháng trước đã dấy lên lo ngại Fed sẽ duy trì mức lãi suất cao kéo dài đã khiến chứng khoán Mỹ tiêp nối đà giảm, dòng vốn đầu cơ rút khỏi các tài sản rủi ro. Trái phiếu kho bạc dài hạn tiếp tục là nơi ẩn núp an toàn vào lúc này.
Công ty tư vấn HedgePoint Global Market điều chỉnh giảm dự báo sản lượng Brazil niên vụ cà phê 2023/2024 xuống 42,3 triệu bao từ mốc 45,4 triệu bao, điều này có nghĩa là dư thừa toàn cầu chỉ còn 0,6 triệu bao thay vì 3,7 triệu bao do chính công ty này đã dự báo vào tháng trước, đã gây áp lực thanh lý vị thế ròng trên cả hai sàn giao dịch cà phê kỳ hạn.
Tồn kho ICE – London đã tăng thêm 0,23% so với ngày trước đó, lên ở mức 67.180 tấn, ghi nhận mức tăng liên tiếp trong suốt cả tuần.
Được biết, cà phê Arabica là điểm sáng trong tuần trước khi tiếp tục nối dài đà tăng sang tuần thứ 5 liên tiếp với mức tăng hơn 6% trong bối cảnh hạn chế bán hàng vẫn tiếp diễn tại Brazil. MXV dẫn thông tin từ công ty tư vấn Safras & Mercado, doanh số bán hàng cà phê niên vụ 23/24 của Brazil hiện mới chỉ đạt 17% tổng sản lượng ước tính cho niên vụ này, thấp hơn nhiều so với mức 27% cùng kỳ niên vụ 22/23 khi nông dân nước này từ chối các đề nghị bán hàng do mức giá thấp hơn so với kỳ vọng.
Nhờ sự hỗ trợ từ Arabica, Robusta ghi nhận tuần tăng thứ 7 liên tiếp với mức tăng gần 3%, đưa giá hiện tại lên 2.098 USD/tấn, cao nhất trong 4 tháng. Sau khi chạm mức thấp nhất trong hơn 6 năm, tồn kho Robusta trên Sở ICE London đã đảo chiều tăng trong 2 phiên gần nhất, tổng mức tồn kho hiện tại đạt 61.200 tấn.
Theo Hiệp hội những nhà xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe), trong 20 ngày đầu tháng 02 nước này chỉ đẩy ra thị trường 1,3 triệu bao Arabica, giảm mạnh 30,48% so với mức 1,87 triệu bao của cùng kỳ tháng trước. Điều này làm gia tăng lo ngại về thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn, từ đó hỗ trợ giá tăng mạnh.
Số liệu xuất khẩu cà phê trong 15 ngày đầu tháng 02 tại Việt Nam suy yếu gần 2% so với cùng kỳ tháng trước đã hỗ trợ giá duy trì được sự khởi sắc. Tuy vậy, tồn kho Robusta trên Sở ICE London nối tiếp đà tăng lên mức 63.540 tấn, đã phần nào gây sức ép khiến mức tăng bị điều chỉnh nhẹ lại.
Sau phiên ngày 22/2, hai mặt hàng cà phê tiếp tục nối dài đà tăng, đặc biệt Robusta đã chạm mức cao nhất trong gần 5 tháng.
Arabica nối dài đà tăng sang phiên thứ 4 liên tiếp khi thị trường tiếp tục hấp thụ thông tin cơ bản trên thị trường. Giá hàng thực tăng mạnh tại các nước cung ứng chính như Brazil và Colombia khi nông dân hạn chế bán hàng do lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn. Điều này cũng góp phần khiến tồn kho Arabica trên Sở ICE New York tiếp tục giảm thêm 17.106 bao loại 60kg, về mức 814.966 bao, thấp nhất trong 7 tuần và hỗ trợ giá tăng lên mức cao nhất trong hơn 4 tháng.
Robusta cũng ghi nhận mức tăng mạnh 3,38%, giúp giá đạt mức cao nhất kể từ tháng 09/2022. Tuy vậy, tồn kho Robusta trên Sở ICE London tiếp tục nối dài đà tăng lên mức 64.710 tấn, cao nhất trong 1 tháng.
Trên thị trường nội địa, theo sát diễn biến giá thế giới, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tiếp tục tăng mạnh. So với hồi đầu tháng 02, giá cà phê trong nước đã tăng rất mạnh đến 3.000 đồng/kg.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính trong 15 ngày đầu tháng 02, cả nước đã xuất khẩu tổng cộng 90,3 nghìn tấn cà phê, thu về kim ngạch 197 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu cà phê giai đoạn 01/02 – 15/02 đã tăng mạnh 56% về lượng và 51% về giá trị.
Theo dữ liệu được công bố bởi Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), xuất khẩu cà phê toàn cầu sau khi tăng vào tháng 11 đã giảm trở lại trong tháng 12/2022, với mức giảm 8,5% so với cùng kỳ năm 2021 xuống 10,9 triệu bao.
Do đó, tính chung ba tháng đầu niên vụ 2022-2023 (tháng 10 đến tháng 12) xuất khẩu cà phê toàn cầu giảm 2,8% so với cùng kỳ niên vụ 2021-2022, xuống còn 30,3 triệu bao.
Lũy kế trong 12 tháng kết thúc vào tháng 12/2022, xuất khẩu cà phê Arabica thế giới đạt tổng cộng 79,7 triệu bao, giảm nhẹ so với 80,6 triệu bao của năm 2021; trong khi Robusta ổn định ở mức 48,3 triệu bao.
Về chủng loại, cà phê nhân xanh chiếm hơn 90% tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 12 với 9,8 triệu bao, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2021. Luỹ kế ba tháng đầu niên vụ 2022-2023, xuất khẩu cà phê nhân xanh đạt 27,3 triệu bao, giảm 1,5% so với vụ trước.
Trong đó, xuất khẩu cà phê Arabica Colombia trong giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 12/2022 giảm 12,7%, xuống còn 2,8 triệu bao. Nhóm cà phê Arabica khác cũng giảm tới 17,8%, chỉ đạt 3,5 triệu bao. Xuất khẩu cà phê Arabica Brazil sau khi tăng 15,2% trong tháng 11 đã giảm 10,3% vào tháng 12.
Tuy nhiên, trong ba tháng đầu niên vụ hiện tại, xuất khẩu Arabica Brazil vẫn tăng 5,8% lên 10,3 triệu bao. Xuất khẩu cà phê Robusta tăng nhẹ 1,1% trong tháng 12 và tăng 2% sau ba tháng đầu niên vụ 2022-2023, đạt 10,5 triệu bao.
Trong khi đó, xuất khẩu cà phê hòa tan toàn cầu đạt 2,8 triệu bao trong ba tháng đầu niên vụ, giảm 13,6% so với 3,3 triệu bao của cùng kỳ niên vụ trước. Mặt hàng này chiếm khoảng 9% tỷ trọng xuất khẩu cà phê toàn cầu, giảm nhẹ so với mức 9,1% của cùng kỳ. Brazil và Ấn Độ hiện đang là hai nước xuất khẩu cà phê hoà tan lớn nhất thế giới.
Tương tự, xuất khẩu cà phê rang xay cũng giảm 5,7% trong ba tháng đầu niên vụ 2022-2023, đạt 208.975 bao.
(Nguồn: Báo điện tử Dân Việt)