Giá cà phê Robusta thế giới biến động theo xu hướng giảm do áp lực dư cung, nhu cầu tiêu thụ giảm. Nguồn cung cà phê dồi dào do hàng vụ mới của Brazil và Indonesia. Bên cạnh đó, đồng Real suy yếu trở lại hỗ trợ người trồng cà phê Brazil đẩy mạnh bán ra.
Giá cà phê rơi tự do phiên cuối tuần, giao dịch ồ ạt…
Giá cà phê hôm nay 7/5 rơi tự do phiên cuối tuần, giao dịch ồ ạt; áp lực dư cung – cầu yếu, giá cà phê đang được dự báo còn giảm. Dự báo mới nhất của Citigroup cho thấy, trong niên vụ cà phê mới 2022 – 2023 toàn cầu sẽ dư thừa 3,5 triệu bao, so với mức thiếu hụt 7,3 triệu bao của niên vụ 2021/2022.
Giá cà phê rớt thảm trên cả hai sàn phái sinh. Tâm lý lo ngại rủi ro tăng cao do sự thắt chặt tiền tệ đã góp phần làm giá kỳ hạn suy yếu trở lại. Chứng khoán giảm mạnh, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt sau khi thị trường đón nhận quyết định của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) về tăng lãi suất cơ bản USD và triển khai “thu hồi tài sản” xấp xỉ 90 tỷ USD chỉ trong năm nay.
Lãi suất tiền tệ tăng đã thúc đẩy giá cả hàng hóa tăng theo là điều khó tránh khỏi. Nhưng chính sự thanh lý, điều chỉnh vị thế của các giới đầu cơ sau khi đã tăng mua liên tiếp trước đó và tỷ giá đồng Real suy yếu trở lại đã gây bất lợi cho giá cà phê do người Brazil đẩy mạnh bán cà phê ra theo phương thức giao sau.
Trong khi đó, tại nguồn cung, nông dân Brazil hiện đang tiến hành thu hoạch cà phê Conilon Rrobusta vụ mới và tiếp ngay sau là thu hoạch Arabica vụ mới năm nay.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/5, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe – London kỳ hạn giao tháng 7/2022 giảm mạnh 53 USD (2,48%), giao dịch tại 2.083 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 9/2022 giảm 53 USD (2,44%) giao dịch tại 2.079 USD/tấn. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.
Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US – New York cũng biến động mạnh, kỳ hạn giao tháng 7/2022 giảm 6,65 Cent (3,06%), giao dịch tại 210,6 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 9/2022 giảm 6,65 Cent/lb (3,06%), giao dịch tại 210,55 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, quý I/2022, giá cà phê Robusta thế giới biến động thất thường. Giá ghi nhận mức cao trong 2 tháng đầu năm. Tuy nhiên, giá giảm xuống mức thấp nhất vào thời điểm đầu tháng 3/2022, sau đó có xu hướng phục hồi trở lại, song vẫn ở mức thấp so với 2 tháng đầu năm.
Tháng 4/2022, giá cà phê Robusta thế giới biến động theo xu hướng giảm do áp lực dư cung, nhu cầu tiêu thụ giảm. Nguồn cung cà phê dồi dào do hàng vụ mới của Brazil và Indonesia. Bên cạnh đó, đồng Real suy yếu trở lại hỗ trợ người trồng cà phê Brazil đẩy mạnh bán ra. Trái lại, giá cà phê Arabica hồi phục hơn do báo cáo thời tiết khô hạn tại vùng trồng chính của Brazil.
Trước đó, trên sàn giao dịch London, ngày 28/4/2022, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 5/2022, tháng 7/2022, tháng 9/2022 và tháng 11/2022 giảm lần lượt 5,6%, 4,3%, 3,2% và 2,6% so với ngày 29/3/2022, xuống còn 2.021 USD/tấn; 2.032 USD/tấn; 2.041 USD/tấn và 2.044 USD/tấn.
Trên sàn giao dịch New York, ngày 28/4/2022 giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 5/2022, tháng 7/2022, tháng 9/2022 và tháng 12/2022 tăng lần lượt 0,7%, 0,4%, 0,6% và 1,1% so với ngày 29/3/2022, lên mức 215,95 Uscent/lb; 215,55 Uscent/lb; 215,5 Uscent/lb và 215,05 Uscent/lb.
Trên sàn giao dịch BMF của Brazil, giá cà phê Arabica biến động không đồng nhất. Ngày 28/4/2022, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 5/2022 giảm 1,9% so với ngày 29/3/2022, xuống còn 262 Uscent/lb. Ngược lại, giá cà phê giao kỳ hạn tháng 7/2022, tháng 9/2022 và tháng 12/2022 tăng lần lượt 0,4%, 0,1% và 0,7% so với ngày 29/3/2022, lên mức 267,25 Uscent/lb; 268,5 Uscent/lb và 268,4 Uscent/lb.
Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 2.087 USD/tấn, chênh lệch +55 USD/tấn, giảm 108 USD/tấn (tương đương mức giảm 4,9%) so với ngày 29/3/2022.
Dự báo giá cà phê thế giới tiếp tục giảm do áp lực dư cung, nhu cầu suy yếu. Dự báo mới nhất của Citigroup cho rằng trong niên vụ cà phê mới 2022/2023 toàn cầu sẽ dư thừa 3,5 triệu bao, so với mức thiếu hụt 7,3 triệu bao của niên vụ 2021/2022. Căng thẳng địa chính trị kéo theo nhu cầu tiêu thụ suy yếu, trong khi vụ mùa cà phê mới của Brazil theo chu kỳ “hai năm một”.
Giao dịch cà phê tại thị trường nội địa ảm đạm, giá giảm sâu
Giao dịch cà phê tại thị trường nội địa diễn ra khá ảm đạm do giá giảm sâu. Ngày 28/4/2022, giá cà phê Robusta tại Việt Nam giảm 1.100 đồng/kg so với ngày 29/3/2022, xuống mức thấp nhất 39.700 đồng/kg tại tỉnh Lâm Đồng; mức cao nhất 40.300 đồng/kg; tại tỉnh Đắk Lắk; tại tỉnh Gia Lai và Đắk Nông giá ở mức 40.200 đồng/kg.
Giá cà phê đến hôm nay (7/5) vẫn tục tiếp đà giảm với mức điều chỉnh là 1.000 đồng/kg so với hôm qua. Theo khảo sát trên trang giacaphe.com vào lúc 9 giờ 30, giá cà phê giảm 1.000 đồng/kg, xuống khoảng 40.500 – 41.100 đồng/kg. Trong đó, Lâm Đồng đang là địa phương ghi nhận mức giá thấp nhất với 40.500 đồng/kg. Kế đó, hai tỉnh Gia Lai và Đắk Nông hiện giao dịch cà phê với chung mức 41.000 đồng/kg. Sau biến động, giá cà phê tại tỉnh Đắk Lắk đang ở mức 41.100 đồng/kg – cao nhất trong các tỉnh khảo sát.
Quý I/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt mức cao kỷ lục theo quý. Nhu cầu tiêu thụ tăng và hoạt động thông quan thuận lợi hơn đã tác động tích cực lên hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong quý I/2022 đạt 581,7 nghìn tấn, trị giá 1,3 tỷ USD, tăng 28,3% về lượng và tăng 60,2% về trị giá so với quý I/2021; so với quý I/2020 tăng 12,8% về lượng và tăng 49,1% về trị giá.
Quý I/2022, xuất khẩu cà phê sang tất cả các khu vực trên thế giới đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu cà phê sang khu vực châu Âu tăng mạnh nhất, tăng 92,6%. Tỷ trọng xuất khẩu cà phê sang châu Âu chiếm 54,39% tổng trị giá xuất khẩu trong quý I/2022, cao hơn nhiều so với tỷ trọng 40,71% trong quý I/2021. Ngược lại, tỷ trọng xuất khẩu cà phê sang châu Á giảm từ 45,62% trong quý I/2021 xuống 32,7% trong quý I/2022.
Quý I/2022 so với quý I/2021, xuất khẩu cà phê sang hầu hết các thị trường khu vực châu Âu tăng, ngoại trừ Nga, Ba Lan, Hy Lạp. Tại khu vực châu Á, xuất khẩu cà phê sang một số thị trường giảm, gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia. Đối với khu vực châu Mỹ, xuất khẩu cà phê sang Hoa Kỳ, Canada giảm.
Quý I/2022, xuất khẩu cà phê Robusta và cà phê chế biến tăng, trong khi xuất khẩu cà phê Arabica và cà phê Excelsa giảm so với quý I/2021. Theo thống kê từ số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê Robusta trong quý I/2022 đạt 529,2 nghìn tấn, trị giá 1,05 tỷ USD, tăng 33,5% về lượng và tăng 70,5% về trị giá so với quý I/2021; cà phê chế biến tăng 12,5%, đạt xấp xỉ 150,1 triệu USD. Ngược lại, xuất khẩu cà phê Arabica trong quý I/2022 giảm 5,1% về lượng, nhưng tăng 61,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, đạt 20,87 nghìn tấn, trị giá 94,24 triệu USD; xuất khẩu cà phê Excelsa giảm 56,6% về lượng và giảm 41% về trị giá, đạt 95 tấn, trị giá 225 nghìn USD.
Dự báo quý II/2022 xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng nhờ nguồn cung dồi dào, các Hiệp định thương mại tự do tạo lợi thế cạnh tranh cho cà phê Việt Nam. Tuy nhiên, giá cà phê sau khi tăng mạnh trong các tháng đầu năm 2022, thì sang tháng 3 và tháng 4/2022 có xu hướng giảm do áp lực về nguồn cung dồi dào và nhu cầu tiêu thụ giảm trong ngắn hạn do lạm phát tăng cao.