Giá cà phê ngày 23/2/2023: Đầu cơ đẩy giá cà phê tăng khủng. Giới kinh doanh đẩy mạnh lượng cà phê đưa về London đăng ký bán đấu giá. Giá cà phê hôm nay tăng mạnh 1.500 – 2.000 đồng/kg so với hôm qua. Thị trường nội địa hiện đã chứng kiến mức giá cao nhất lên đến 48.000 đồng/kg…
Giá cà phê hôm nay 23/2: Bất ngờ tăng mạnh, chạm mốc 48.000 đồng/kg
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London kéo dài chuỗi giảm lên phiên thứ năm. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng thêm 72 USD, lên 2.205 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 tăng thêm 69 USD, lên 2.188 USD/tấn, các mức tăng rất mạnh. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng thêm 3,50 cent, lên 193,35 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 tăng thêm 3,55 cent, lên 191,70 cent/lb, các mức tăng khá mạnh. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng mạnh 1.500 – 2.000 đồng, lên dao động trong khung 47.600 – 48.000 đồng/kg. Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng tăng 2.000 đồng/kg lên mức 47.600 đồng/kg. Tiếp đó là tỉnh Gia Lai với mức giá 47.900 đồng/kg sau khi tăng 1.500 đồng/kg. Tương tự, giá thu mua tại Đắk Lắk và Đắk Nông cùng tăng 1.500 đồng/kg, hiện đạt mức 48.000 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta sàn London bùng nổ trước thềm ngày thông báo giao hàng đầu tiên do đầu cơ đẩy giá để bán hàng giao ngay cho những hợp đồng phải giao hàng theo kỳ hạn. Theo các nhà quan sát, khối lượng hợp đồng phải mua bù tuy không nhiều nhưng do lượng hàng đưa về sàn London đăng ký để bán đấu giá hiện đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2016 đã tạo nên sự thiếu hụt có tính cục bộ khiến giá cà phê trên sàn có cơ hội tăng vọt.
Trong khi đó, sự thiếu vắng lực bán hàng từ Brazil do kỳ Lễ hội Carnival năm nay và thông tin lũ lụt ở vùng cà phê phía Trung Tây Brazil cũng góp phần hỗ trợ giá cà phê Arabica sàn New York kéo dài chuỗi tăng liên tiếp lên ở mức cao 4 tháng.
USDX duy trì ở mức cao do suy đoán Fed sẽ mạnh tay nâng lãi suất tại phiên họp sắp tới nhằm ngăn chặn lạm phát vẫn còn cao đã góp phần hỗ trợ thị trường giá tăng
Tổng cục Hải Quan Việt Nam báo cáo dữ liệu sơ bộ cho thấy xuất khẩu cà phê, chủ yếu là cà phê Robusta, trong nửa đầu tháng 2/2023 chỉ đạt 90.315 tấn (khoảng 1,5 triệu bao), giảm 25,8 % so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến thứ tư ngày 22/02, tồn kho cà phê Robusta của ICE – London tiếp tục tăng thêm 1.170 tấn, tức tăng 33,52% so với ngày hôm trước, lên ở mức 64.710 tấn (tương đương 1.059.000 bao, bao 60 kg), cho thấy khối lượng cà phê giao về sàn để tham gia bán đấu giá đột ngột tăng vọt.
Thực tế, giá cà phê Arabica và Robusta tăng lên mức cao nhiều tháng, được thúc đẩy bởi nguồn cung trong ngắn hạn thắt chặt và hoạt động đẩy mạnh mua vào.
Volcafe dự báo, thị trường cà phê Robusta niên vụ 2023/24 toàn cầu sẽ thâm hụt kỷ lục 5,6 triệu bao, do sản lượng của Indonesia – nhà sản xuất cà phê Robusta lớn thứ ba thế giới dự kiến giảm xuống 9,1 triệu bao, thấp nhất trong 10 năm do mưa quá nhiều trên các vùng trồng trọt.
Cecafé cũng xác nhận giảm xuất khẩu cà phê xanh từ Brazil trong tháng 1/2023, khi khối lượng vận chuyển giảm 18,5% so với cùng kỳ xuống 2,52 triệu bao.
Thị trường cho rằng nông dân Brazil không muốn bán thêm ra thị trường do chi phí sản xuất tăng cao. Tuy nhiên vụ mùa 2022/23 hiện tại, Brazil đã bán khoảng 80% sản lượng.
Đối với cà phê Robusta, StoneX dự báo sản lượng tại bang sản xuất chính Espírito Santo sẽ giảm 1,6% xuống 15,1 triệu bao, đồng thời dự kiến sẽ tăng sản lượng thu hoạch của Rondônia và Bahia. Vụ thu hoạch thường bắt đầu vào khoảng tháng 4 hoặc tháng 5 đối với loại Robusta và khoảng tháng 6 hoặc tháng 7 đối với Arabica.
Theo giới chuyên gia phân tích, xâu chuỗi sự kiện và công bố hệ thống báo cáo qua máy tính vị thế kinh doanh bị tin tặc phá hỏng trên sàn cho thấy đây là sự cố đáng ngờ. Chuyên gia cho rằng đây thể là “chiêu trò” của các “cá mập” trên sàn nhằm thao túng giá cà phê hiện tại.
Năm 2022 được đánh giá là năm thành công đối với hoạt động xuất khẩu cà phê. Hai quý cuối năm ngoái, khi nhu cầu cao và tỷ giá có lợi, các doanh nghiệp đã tích cực thu gom cà phê từ nông dân và đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, việc xuất khẩu ồ ạt đã khiến nguồn cung trong nước giảm xuống mức rất thấp kể từ cuối năm 2022 đến nay. Điều này khiến tồn kho thực tế đã giảm mạnh từ cuối năm 2022 và ảnh hưởng tới khối lượng xuất khẩu trong giai đoạn đầu năm 2023.
Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng cà phê toàn cầu ước tăng 6,6 triệu bao so với niên vụ trước lên 172,8 triệu bao trong niên vụ 2022-2023. Chủ yếu là do cây cà phê Arabica của Brazil bước vào năm được mùa theo chu kỳ sản xuất hai năm một lần.
Trong tháng 1, giá cà phê Robusta thế giới tăng mạnh so với cuối năm 2022, đạt mức cao nhất trong 3 tháng, nhờ các quỹ và nhà đầu cơ mua bù cho các hợp đồng đã mạnh tay bán khống từ trước.
Giá cà phê trong ngắn hạn được dự báo tiếp tục phục hồi nhờ nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu sẽ gia tăng trở lại sau hai năm giảm mạnh trong đại dịch và lạm phát toàn cầu sẽ chậm lại trước sự nỗ lực điều hành lãi suất tiền tệ của hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới. Tuy nhiên, kịch bản giá tăng cao kỷ lục như năm 2022 sẽ khó lặp lại bởi sản lượng cà phê trong niên vụ hiện tại vẫn đáp ứng được nhu cầu, thậm chí dư cung.
Tại Việt Nam, cà phê vào giai đoạn ra hoa. Một số tỉnh như Đắk Lắk ghi nhận mầm hoa cà phê ra sớm do trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng mưa phùn, lạnh kéo dài. Tuy nhiên, vì lượng mưa không đủ, kèm theo không khí lạnh khiến hoa cà phê bung không đủ độ, có nguy cơ thối và không đậu trái.
Do trùng với kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán nên xuất khẩu cà phê trong tháng đầu năm thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 1 đạt 142.544 tấn, trị giá 310,4 triệu USD, giảm 38,4% về lượng và 38,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá cà phê xuất khẩu tháng 1 tiếp tục giảm tháng thứ ba liên tiếp xuống còn bình quân 2.178 USD/tấn, thấp hơn 2,5% so với tháng trước và tương đương cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, tại thị trường trong nước giá cà phê lại ghi nhận sự phục hồi mạnh trở lại.
Mặc dù xuất khẩu cà phê năm 2022 đạt ngưỡng kỷ lục, giá xuất khẩu cũng phục hồi mạnh nhưng kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp lại không như kỳ vọng. Doanh thu thuần của nhiều công ty giảm mạnh so với cùng kỳ trong quý IV/2022.
Đơn cử, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafé) cho biết năm 2022 có nhiều yếu tố bất lợi tác động đến hoạt động kinh doanh, sản xuất của công ty như kinh tế thế giới bất ổn, có nguy cơ rơi vào tình trạng suy thoái, cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ chưa chấm dứt, xung đột giữa Nga và Ukraine ngày càng căng thẳng làm ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường hàng hóa nông sản nói chung, trong đó có mặt hàng cà phê.
Ngoài ra, thời tiết biến đổi khó lường, chi phí vật tư phân bón, xăng dầu tăng cao, đầu tư cho vườn cây có phần hạn chế, do đó có ảnh hưởng đến chất lượng vườn cây và năng suất cây trồng.
Trong năm 2023, Tổng công ty dự kiến kế hoạch tổng doanh thu đạt 1.960 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 13,5 tỷ đồng, khắc phục kết quả kinh doanh thua lỗ 19 tỷ đồng năm 2022.