Lo ngại nguồn cung Robusta toàn cầu thiếu hụt đã thúc đẩy giá cà phê phiên cuối tuần tăng vọt. Giá cà phê hôm nay (25/3) tại thị trường trong nước tăng 1.000 đồng/kg. Trong đó, 48.400 đồng/kg là mức giao dịch cao nhất được ghi nhận tại Đắk Lắk và Gia Lai.
Giá cà phê hôm nay 25/3: Tăng 1.000 đồng/kg trong phiên cuối tuần
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đột ngột tăng vọt. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng thêm 65 USD, lên 2.189 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 tăng thêm 60 USD, lên 2.165 USD/tấn, các mức tăng mạnh. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình. Cấu trúc giá nghịch đảo nới rộng khoảng cách.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng 4,95 cent, lên 179,25 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 tăng 4,85 cent, lên 178,30 cent/lb, các mức tăng mạnh. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng thêm 1.100 – 1.200 đồng, lên dao động trong khung 48.000 – 48.400 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng có mức giá thấp nhất là 48.000 đồng/kg. Kế đến là Đắk Nông với 48.300 đồng/kg. Cùng thời điểm khảo sát, giá cà phê tại hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai ở cùng mức 48.400 đồng/kg – cao nhất trong các địa phương được khảo sát.
Ủy ban Chính sách Tiền tệ (Copom) của Ngân hàng Trung ương Brazil (BC) quyết định duy trì lãi suất đồng Reais ở mức cao 13,75%/năm với giọng điệu khá gay gắt và báo hiệu lãi suất có thể còn được tăng lên, trong khi tỷ giá hối đoái đã tăng thêm 0,4% trong tuần qua. USDX tăng mạnh, chứng khoán Mỹ hồi phục và giá cà phê tăng vọt. Điều hết sức bất ngờ là giá vàng đảo chiều giảm.
Giá cà phê kỳ hạn đột ngột tăng vọt do lo ngại thiếu hụt nguồn cung sau các báo cáo thị trường cho thấy đã có sự kháng giá (là các ngưỡng, vùng hoặc mức giá nằm ngang và có vai trò kết nối các đỉnh cao của giá hoặc các đáy thấp của giá) tại thị trường nội địa các nước sản xuất do giá trị đồng nội tệ bị sụt giảm. Bên cạnh sự hồi phục của giá Arabica kỳ hạn ở New York là sự tăng vọt của giá Robusta kỳ hạn tại London khi nhà xuất khẩu không mua được hàng để giao cho các hợp đồng đã ký. Thông tin nông dân Việt Nam kháng giá, trong khi Indonesia bắt đầu bước vào tháng Lễ Ramadan theo truyền thống và Brazil vào giai đoạn giáp hạt khiến nguồn cung cho các thị trường tiêu dùng bị chậm lại. Góp phần thúc đẩy giá tăng là báo cáo tồn kho ICE London ngày cuối tuần 24/03 đã giảm 820 tấn (tương đương giảm 13.667 bao, bao 60 kg).
Những ngày giữa tháng 3/2023, giá cà phê Robusta và Arabica đồng loạt giảm mạnh do những bất ổn về thị trường tài chính ngân hàng tại một số nền kinh tế. Thêm vào đó, những nhận định về mức tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) sắp tới thay đổi liên tục khiến dòng tiền dịch chuyển khỏi các tài sản rủi ro, trong đó có mặt hàng cà phê.
Giá cà phê thế giới cũng giảm sau báo cáo tồn kho của Hiệp hội Cà phê Hạt (GCA) ở Hoa Kỳ cho biết mức tồn kho tính đến cuối tháng 2/2023 đã tăng thêm 5,9% so với tháng 1/2023, lên ở mức 6,105 triệu bao. Dữ liệu báo cáo tồn kho do ICE – London quản lý, tính đến ngày 17/3/2023 tăng thêm 2.190 tấn (tăng 2,97%) so với một tuần trước đó, lên đăng ký ở mức 75.960 tấn (khoảng 1.266.000 bao, bao 60 kg), mức cao mới trong tháng 3/2023. Trong khi tỷ giá đồng Real của Brazil giảm xuống mức thấp 2,5 tháng cũng góp phần hỗ trợ người trồng cà phê nước này đẩy mạnh bán hàng cà phê xuất khẩu.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 2/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt trên 200 nghìn tấn, trị giá 434,9 triệu USD, tăng 40,3% về lượng và tăng 40,1% về trị giá so với tháng 01/2023, so với tháng 2/2022 tăng 43,5% về lượng và tăng 35,3% về trị giá. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 342,3 nghìn tấn, trị giá 745,28 triệu USD, giảm 7,8% về lượng và giảm 9,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022
Diễn biến giá: Tháng 2/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.174 USD/tấn, giảm 0,2% so với tháng 01/2023 và giảm 5,7% so với tháng 2/2022. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 2.177 USD/tấn, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Cơ cấu thị trường: Tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang hầu hết các thị trường truyền thống tăng, ngoại trừ Bỉ, Nhật Bản. Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê sang một số thị trường ghi nhận tốc độ tăng trưởng từ 2 đến 3 con số, gồm: Angieri, Hà Lan, Mehico, Nga, Ý…