Thị trường bao phủ sắc xanh, giá cà phê nội địa sắp chạm mốc 41.000 đồng/kg

Giá cà phê trong nước ngày 30/11/2022 chốt ở 40.200 – 40.800 đồng/kg. Sắc xanh bao phủ hai sàn giao dịch thế giới, với Arabica lên mức cao nhất nửa tháng qua và Robusta cao nhất 3 tuần.

Giá cà phê nội địa đang tiến dần đến mốc 41.000 đồng/kg

Tại thị trường nội địa, giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên đang tiến dần đến mốc 41.000 đồng/kg.

Ghi nhận cho thấy, các tỉnh trọng điểm thuộc khu vực Tây Nguyên đang giao dịch cà phê trong khoảng 40.200 – 40.800 đồng/kg. Trong đó, Lâm Đồng là địa phương ghi nhận mức giá thấp nhất với 40.200 đồng/kg. Tiếp đó là tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk với mức giá lần lượt 40.600 đồng/kg và 40.700 đồng/kg.

Tương tự, giá cà phê tại Đắk Nông tăng nhẹ lên mức 40.800 đồng/kg trong ngày cuối cùng của tháng 11. Đây cũng là mức giá cao nhất ở thời điểm hiện tại.

Tại cảng TP.HCM, Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% ngày chốt ở 1.893 USD/tấn (FOB), chênh lệch +55 USD/tấn.

Thị trường bao phủ sắc xanh, giá cà phê nội địa sắp chạm mốc 41.000 đồng/kg - Ảnh 1.

Thị trường bao phủ sắc xanh, giá cà phê nội địa sắp chạm mốc 41.000 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới, giá Robusta kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn London cộng 4 USD, tương đương 0,22% lên ở 1.859 USD/tấn. Giá Arabica kỳ hạn tháng 03/2023 tăng 6,05 cent, tương đương 3,72% lên mức 168,9 US cent/lb, trong phiên có lúc đạt mức cao nhất 2 tuần.

Các chuyên gia phân tích cho biết, đà tăng giá Arabica là do đồng nội tệ của Brazil đang tăng tốt, khiến nông dân tạm ngưng bán ra ồ ạt. Trong khi đó, mặc dù hàng cà phê vụ mới đã được nông dân Việt Nam bắt đầu bán ra nhưng lượng hàng cũng chưa đáng kể do giá tham chiếu kỳ hạn London hiện đang ở mức thấp.

Sàn ICE đã thông qua 11.261 bao cà phê khác để bổ sung vào kho, nhưng còn 8.571 bao không được phân loại.

Tổng cục Thống kê Việt Nam ước báo xuất khẩu cà phê trong tháng 11/2022 đạt 110.000 tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, có trị giá 267 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu cà phê trong 11 tháng đầu năm 2022 sẽ đạt tổng cộng 1.535.000 tấn (khoảng 25,58 triệu bao), tăng 10,21% so với cùng kỳ năm trước, đạt trị giá 3,5 tỷ USD, khiến đà tăng trên thị trường kỳ hạn London bị chững lại.

Việt Nam đang bước vào thời điểm thu hoạch cà phê. Ghi nhận tại các tỉnh trong khu vực, năm nay, cà phê được mùa, tăng cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ cà phê chín khi thu hái của nông dân Tây Nguyên đạt khoảng 85% cho thấy nông dân ngày càng ý thức hơn việc thu hái cà phê khi chín đều cho chất lượng tốt hơn. Đáng chú ý, tỷ lệ cà phê chín hơn 90% thậm chí là đến 93% không còn là hiện tượng cá biệt trong vụ cà phê này.

Ngắn hạn, xuất khẩu cà phê Việt Nam vẫn đối mặt với khó khăn

Quý 3/2022, giá cà phê thế giới có sự biến động mạnh. Sau khi ghi nhận ở mức thấp vào tháng 7/2022, giá cà phê phục hồi vào tháng 8/2022, nhưng sau đó giảm trở lại vào tháng 9/2022. Tháng 10/2022, giá cà phê thế giới tiếp tục xu hướng giảm.

10 ngày đầu tháng 11/2022, giá cà phê thế giới tiếp tục giảm trước thông tin dự báo nguồn cung sẽ tăng trong thời gian tới. Sản lượng vụ mùa mới của Brazil được dự báo sẽ tăng khoảng 10% từ 60,2 triệu bao của vụ mùa năm 2022.

Quý 3/2022, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa ghi nhận mức cao trong tháng 8/2022, nhưng sau đó có xu hướng giảm. Cuối tháng 10/2022, giá cà phê Robusta giảm mạnh 5.400 đồng/kg so với cuối tháng 9/2022. Ngày 28/10/2022, giá cà phê Robusta trong nước giảm 5.400 đồng/kg so với ngày 28/9/2022, xuống mức 41.000 đồng/ kg tại tỉnh Lâm Đồng; 41.600 đồng/kg tại tỉnh Đắk Lắk; tại tỉnh Gia Lai và Đắk Nông, giá ở mức 41.500 đồng/kg.

Những ngày đầu tháng 11/2022, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa giảm theo giá thế giới. Ngày 9/11/2022, giá cà phê Robusta giảm 1.100 đồng/kg so với ngày 28/10/2022 ở các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Nông. Mức giá thấp nhất 39.900 đồng/kg tại tỉnh Lâm Đồng; mức cao nhất 40.500 đồng/kg tại tỉnh Đắk Lắk; tại tỉnh Gia Lai và Đắk Nông là 40.400 đồng/kg.

Lo ngại nguồn cung thiếu hụt cùng đồng USD suy yếu kéo giá cà phê tiếp tục tăng vọt - Ảnh 2.

Giá cà phê kỳ hạn điều chỉnh tăng còn do hoạt động mua bù bán của các Quỹ và giới đầu cơ.

Quý 3/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt xấp xỉ 319 nghìn tấn, trị giá 753,9 triệu USD, giảm 27% về lượng và giảm 24,8% về trị giá so với quý 2/2022, so với quý 3/2021 giảm 6,9% về lượng, nhưng tăng 9,9% về trị giá. Nhu cầu tiêu thụ cà phê thế giới giảm do kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng bởi xung đột giữa Nga và Ukraine kéo dài và chưa có dấu hiệu lắng dịu, trong khi lạm phát tăng cao. Dự báo trong ngắn hạn, xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn đối mặt với khó khăn do nhu cầu thấp, giá giảm.

Quý 3/2022 so với quý 2/2022, trị giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang tất cả các khu vực giảm; So với quý 3/2021, trị giá xuất khẩu sang hầu hết khu vực tăng, trừ khu vực châu Phi. Tính chung 9 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu cà phê sang tất cả các khu vực tăng so với cùng kỳ năm 2021. Mức tăng cao nhất 97,2% xuất khẩu tới khu vực châu Đại Dương; mức tăng thấp nhất 11,4% xuất khẩu tới khu vực châu Á.

Quý 3/2022 so với quý 2/2022, trị giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chủ lực giảm, ngoại trừ Nga tăng 11,1%. So với quý 3/2021, trị giá xuất khẩu cà phê sang các thị trường Ý, Nhật Bản, Nga tăng mạnh, nhưng sang Đức, Bỉ, Hoa Kỳ giảm.

Quý 3/2022 so với quý 2/2022, trị giá xuất khẩu hầu hết các chủng loại cà phê giảm, ngoại trừ cà phê chế biến tăng 3,5%. So với quý 3/2021, trị giá xuất khẩu tất cả các chủng loại cà phê tăng. Mức tăng cao nhất 43,4% đối vỡi cà phê Arabica; mức tăng thấp nhất 9,5% với cà phê Robusta. Tính chung 9 tháng năm 2022, xuất khẩu cà phê Robusta tăng 33,7%, đạt 2,24 tỷ USD; xuất khẩu cà phê Arabica tăng 67,9%, đạt 208 triệu USD; xuất khẩu cà phê chế biến tăng 16,5%, đạt 481 triệu USD. Ngược lại, xuất khẩu cà phê Excelsa giảm 9,1%, đạt 3 triệu USD.

Giới chuyên gia cho rằng, tình hình đang tác động tích cực đối với cà phê của Việt Nam, qua đó định hình triển vọng mới cho ngành cà phê. Giá cà phê kỳ hạn điều chỉnh tăng còn do hoạt động mua bù bán của các Quỹ và giới đầu cơ. Dù giá hiện đi lên song chuyên gia dự báo, giá cà phê thế giới vẫn đang tiếp tục chịu áp lực giảm giá trước lo ngại kinh tế toàn cầu suy thoái trong bối cảnh các nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới đang hướng tới một vụ mùa kỷ lục trong năm 2023.

Theo Tổ chức Cà phê thế giới (ICO), nguồn cung cà phê niên vụ 2021 – 2022 thiếu hụt khoảng 167,2 triệu bao trong khi nhu cầu tiêu thụ đến 170,83 triệu bao. Niên vụ cà phê 2022 – 2023, cung cầu của thị trường sẽ cần bằng lại, thậm chí cung sẽ cao hơn cầu vì tại Brazil, nước xuất khẩu cà phê số 1 thế giới có một vụ mùa bội thu, và vụ cà phê mới của Việt Nam sẽ đạt trên dưới 30 triệu bao, tăng thêm trên 3 triệu bao so với niên vụ trước đó.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 10/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 79,83 nghìn tấn, trị giá 206,85 triệu USD, giảm 13,7% về lượng và giảm 8,5% về trị giá so với tháng 9/2022, giảm 19,6% về lượng và giảm 4,8% về trị giá so với tháng 10/2021. Tính chung 10 tháng năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt xấp xỉ 1,42 triệu tấn, trị giá 3,28 tỷ USD, tăng 10,8% về lượng và tăng 33,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. (Nguồn: https://etime.danviet.vn)