Giá cà phê đồng loạt tăng tốt trên cả hai sàn London và New York khi dữ liệu báo cáo tồn kho được chứng nhận có sự cải thiện đáng kể. Giá cà phê hôm nay (7/12) tại thị trường nội địa tiếp đà tăng thêm 300 – 400 đồng/kg.
Giá cà phê ngày 7/12: Tiếp tục tăng 300 – 400 đồng/kg
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp tục gia tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 1 tăng thêm 17 USD, lên 1.916 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3 tăng thêm 21 USD, lên 1.877 USD/tấn, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 tăng thêm 0,90 cent, lên 163,50 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 tăng thêm 0,85 cent, lên 164,10 cent/lb, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch duy trì dưới mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên ngày 7/12 tăng thêm 300 – 400 đồng, lên dao động trong khung 41.500 – 42.000 đồng/kg. Hiện tại, các tỉnh trọng điểm trong nước đang thu mua cà phê trong khoảng 41.500 – 42.000 đồng/kg.
Trong đó, mức giá thấp nhất là 41.500 đồng/kg được ghi nhận tại tỉnh Lâm Đồng sau khi tăng 300 đồng/kg. Hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai cùng tăng 300 đồng/kg lên mức 41.500 đồng/kg. Tương tự, giá thu mua tại tỉnh Đắk Nông cũng đạt mức 42.000 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg trong hôm nay.
Tại cảng TP.HCM, Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% chốt ở 1.916 USD/tấn (FOB), chênh lệch +55 USD/tấn.
Giá cà phê hai sàn kỳ hạn tiếp nối xu hướng tăng do USDX tiếp tục sụt giảm đã hỗ trợ các tiền tệ mới nổi lấy lại giá trị và kích thích các Quỹ và đầu cơ quay lại các thị trường để tăng mua sau suy đoán Fed sẽ chậm lại đà tăng lãi suất tại kỳ họp sắp tới.
Giá Arabica tăng còn do tốc độ bán chậm của các nhà sản xuất ở cả Brazil và Colombia, còn Robusta được hỗ trợ bởi lo ngại chất lượng thu hoạch khi có mưa gần đây tại Việt Nam.
Góp phần củng cố xu hướng tăng trên cả hai sàn cà phê kỳ hạn là báo cáo sản xuất và xuất khẩu tháng 10 sụt giảm của Liên đoàn Cà phê Quốc gia (FNC) Colombia. Theo báo cáo, sản lượng cà phê trong tháng 10 chỉ đạt 1.0650.000 bao, giảm 710.000 bao, tức giảm 6,27% so với cùng kỳ năm trước và xuất khẩu trong tháng 10 chỉ đạt 854.000 bao, giảm 281.000 bao, tức giảm 24,76% so với cùng kỳ.
Colombia là nhà cung cấp cà phê Arabica đã qua chế biến hàng đầu. Nước này đã sản xuất 1,06 triệu bao cà phê Arabica sạch (loại 60 kg) trong tháng 11/2022, giảm 6% so với cùng tháng năm trước do mưa lớn và thời tiết khắc nghiệt, xuất khẩu cũng giảm 25% xuống còn 854.000 bao. Liên đoàn cà phê nước này cho biết, trong tháng 11 năm ngoái, Colombia đã sản xuất 1,31 triệu bao và xuất khẩu 1,14 triệu bao. Liên đoàn dự báo sản lượng cà phê nước này đạt gần 12 triệu bao 60 kg (132 lb) vào năm 2022, mức thấp nhất trong 8 năm qua.
Trong khi đó, thông tin Liên minh châu Âu (EU) sẽ bắt đầu áp dụng Hiệp ước hạn chế các sản phẩm có xuất xứ từ nguồn gốc phá rừng kể từ năm 2020 cũng khiến lo ngại nguồn cung cà phê cho thị trường tiêu dùng sắp sửa bị hạn chế.
Các đại lý cho biết đồng real của Brazil mạnh lên so với USD có thể tiếp tục không khuyến khích nhà sản xuất bán ra tại nước này. Tuy nhiên, sự gia tăng liên tục trong dự trữ của sàn giao dịch dự kiến sẽ hạn chế giá cả.
Dự trữ cà phê của sàn ICE tăng 11.288 bao lên 648.648 bao tính tới ngày 6/12, cao hơn nhiều mức thấp nhất 23 năm tại 382.695 bao thiết lập trong ngày 3/11/2022. Có 417.287 bao đang chờ phân loại.
Vụ thu hoạch tại nhà sản xuất Robusta hàng đầu Việt Nam hiện đã hoàn thành được 60%, với một số lo ngại về chất lượng khi mưa gần đây.
Tháng 11/2022, giá cà phê thế giới tiếp tục giảm. Nhu cầu tiêu thụ suy yếu do lo ngại về suy thoái kinh tế, hệ quả từ việc tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát của các Ngân hàng Trung ương lớn. Điều này tạo áp lực lên người tiêu dùng, chi tiêu cho các loại hàng hóa không thiết yếu bị cắt giảm. Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 ở mức 3,2%, trong đó 2 thị trường tiêu thụ cà phê lớn thế giới là Hoa Kỳ và châu Âu, kinh tế rơi vào suy thoái.
Trên sàn giao dịch London, ngày 28/11/2022, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng tháng 1/2023, tháng 3/2023 và tháng 5/2023 giảm lần lượt 0,4%, 1,8% và 2,3% so với ngày 28/10/2022, xuống còn 1.857 USD/tấn; 1.821 USD/tấn và 1.808 USD/tấn.
Trên sàn giao dịch New York, ngày 28/11/2022, giá cà phê Arabica giao kỳ tháng 12/2022, tháng 3/2023, tháng 5/2023 và tháng 7/2023 giảm lần lượt 7,7%, 6,7%, 6,3% và 6,0% so với ngày 28/10/2022, xuống còn 165,05 Uscent/lb, 165,15 Uscent/lb, 164,75 Uscent/lb và 164,1 Uscent/lb.
Trên sàn giao dịch BMF của Brazil, ngày 28/11/2022, giá cà phê Arabica giao kỳ tháng 12/2022, tháng 3/2023, tháng 5/2023 và tháng 7/2023 giảm lần lượt 5,3%, 3,8%, 4,5% và 6,1% so với ngày 28/10/2022, xuống còn 200 Uscent/ lb; 203,5 Uscent/lb; 204,25 Uscent/lb và 202,55 Uscent/lb.
Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 1.917 USD/tấn, chênh lệch +55 USD/tấn, giảm 16 USD/tấn (tương đương mức giảm 0,8%) so với ngày 28/10/2022.
Dự báo thị trường cà phê toàn cầu vẫn còn chịu áp lực do nguồn cung dồi dào, nhu cầu tiêu thụ chậm. Mặc dù vậy, thị trường cũng đã xuất hiện tín hiệu khả quan. Các Quỹ và đầu cơ quay lại mua vào khi báo cáo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) điều chỉnh giảm sản lượng niên vụ cà phê 2022/2023 của nhiều nước sản xuất chính vì thời tiết bất lợi.
Theo báo cáo, USDA điều chỉnh sản lượng cà phê Brazil giảm 2,6% xuống mức 62,6 triệu bao; sản lượng Culumbia giảm 3,1% xuống mức 12,6 triệu bao; sản lượng cà phê của Việt Nam giảm 2,2% xuống mức 30,22 triệu bao (bao gồm 29,20 triệu bao cà phê Robusta, giảm 4,20% so với niên vụ 2021/2022 và 1,02 triệu bao cà phê Arabica, tăng 7,27% so với niên vụ 2021/2022).
Theo Tổ chức cà phê thế giới (ICO), xuất khẩu cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 (tháng 10/2021 đến tháng 9/2022) đạt gần 129 triệu bao (60 kg/bao), giảm 0,4% so với niên vụ 2020-2021. Xuất khẩu cà phê Arabica Brazil và Arabica Colombia ghi nhận sự sụt giảm trong khi xuất khẩu cà phê Robustas tăng 2,6% so với niên vụ trước lên mức 42,2 triệu bao.
Việt Nam và Ấn Độ là hai nước xuất khẩu đạt mức tăng trưởng nổi bật trong niên vụ 2021-2022. Trong đó, xuất khẩu cà phê nhân xanh của Việt Nam tăng 15,1% so với niên vụ trước lên 26,8 triệu bao, còn Ấn Độ tăng 26,1% lên 5 triệu bao. Ngược lại Burundi và Uganda là hai nước xuất khẩu giảm mạnh nhất, giảm 62,1% và 10% xuống còn 134.000 bao và 5,8 triệu bao.
Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), niên vụ cà phê 2022-2023 đã bước vào mùa thu hoạch, tức là bắt đầu một năm kinh doanh mới giữa những biến động phức tạp trên thị trường toàn cầu. Chính phủ Trung Quốc dù nới lỏng chính sách “Zero Covid” song nhu cầu tiêu thụ cà phê của thị trường này chưa thể phục hồi mạnh; lạm phát cao tại các thị trường xuất khẩu cà phê trọng điểm, logictics chưa thật sự ổn định cũng đang gây khó khăn cho ngành cà phê Việt Nam tới đây.