Nguồn cung và tồn kho thấp tại Mỹ, nước tiêu thụ lớn nhất thế giới đã hỗ trợ cà phê tăng giá. Trong nước, 6 ngày qua, thị trường cà phê tiếp tục có xu hướng đi lên. Vào cuối tuần, các địa phương ghi nhận mức tăng 1.300 – 1.400 đồng/kg so với đầu tuần.
Giá cà phê hôm nay 19/2: Liên tục tăng, chạm mốc mới trong tuần qua
Các quỹ và đầu cơ đã đẩy mạnh mua bù cho những hợp đồng đã bán khống trước ngày thông báo đầu tiên (FND) của hợp đồng kỳ hạn tháng 3.
Tính chung cả tuần qua, thị trường cà phê London có 4 phiên tăng và 1 phiên giảm giữa tuần. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao ngay tháng 3 tăng tất cả 45 USD, tức tăng 2,21%, lên 2.085 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 tăng tất cả 62 USD, tức tăng 3,05 %, lên 2.036 USD/tấn, các mức tăng khá. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Tương tự, thị trường cà phê Arabica New York cũng có 4 phiên tăng và 1 phiên giảm giữa tuần. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng tất cả 11,10 cent, tức tăng 6,36 %, lên 185,75 cent/lb, và kỳ hạn giao tháng 7 tăng tất cả 9,95 cent, tức tăng 5,71 %, lên 184,25 cent/lb, các mức tăng mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại thị trường Tây Nguyên trong tuần qua duy trì đà đi lên. So với đầu tuần, các tỉnh thành đã ghi nhận mức tăng tổng cộng 1.300 – 1.400 đồng/kg.
Trong đó, tỉnh Lâm Đồng điều chỉnh giá lên mức 44.900 đồng/kg, tăng 1.300 đồng/kg. Đây cũng là mức giá thấp nhất ở thời điểm hiện tại. Cùng tăng 1.300 đồng/kg là tỉnh Đắk Nông với mức giá hiện là 45.500 đồng/kg. Hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum cùng thu mua với mức 45.600 đồng/kg sau khi tăng 1.400 đồng/kg. Tương tự, giá cà phê tại Đắk Lắk tăng 1.400 đồng/kg, lên mức 45.700 đồng/kg.
Như vậy, có thể thấy, sau một tuần liên tục tăng, giá cà phê tại nhiều tỉnh trọng điểm đã vượt qua ngưỡng 45.000 đồng/kg.
Tính đến thứ sáu ngày 17/2, tồn kho Robusta được sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát đã tăng thêm 1.650 tấn, tức tăng 2,77 % so với một tuần trước đó, lên đăng ký ở mức 61.200 tấn (tương đương 1.020.000 bao, bao 60 kg), ghi nhận tuần lễ tăng đầu tiên sau chuỗi giảm kéo dài trước đó.
Thứ hai ngày 20/2 là President’Day, ngày lễ tôn vinh các đời Tổng thống Mỹ. Thị trường New York đóng cửa cả ngày không giao dịch. Thị trường London đóng cửa nghỉ sớm 30 phút.
Thông tin nổi bật của thị trường cà phê tuần qua là nguồn cung và tồn kho thấp tại Mỹ, nước tiêu thụ lớn nhất thế giới đã hỗ trợ cà phê tăng giá.
Cà phê Brazil rẻ nhất tại thời điểm này là hàng tồn kho được chứng nhận. Các đại lý dự đoán, hàng tồn kho sẽ giảm xuống bằng 0 trong vài tháng tới, chỉ còn lại cà phê Honduras cũ và các loại cà phê khác tại các kho giao dịch.
Theo Hiệp hội Cà phê nhân Mỹ (GCA), dự trữ cà phê nhân của Mỹ cuối tháng 1/2023 giảm 112.895 bao (loại 60kg) xuống còn 6,26 triệu bao, mức thấp nhất 6 tháng. Đây là đợt giảm tồn kho mạnh nhất kể từ tháng 10/2021. Mức dự trữ này tương đối thấp so với mức 7,5 triệu bao trong năm 2019.
Tại Trung Quốc, cà phê hòa tan, cà phê chế biến sẵn đang chiếm thị phần lớn nhờ sự tiện lợi trong việc sử dụng, thúc đẩy tiêu thụ cà phê chế biến tại thị trường đông dân số nhất thế giới này.
Hoạt động giao dịch tại Việt Nam vẫn trầm lắng do nguồn cung nội địa hạn chế, mặc dù người mua đang hướng tới cà phê Robusta của Việt Nam do nguồn cung tại Indonesia thấp.
Năm 2022 được đánh giá là năm thành công đối với hoạt động xuất khẩu cà phê. Hai quý cuối năm ngoái, khi nhu cầu cao và tỷ giá có lợi, các doanh nghiệp đã tích cực thu gom cà phê từ nông dân và đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, việc xuất khẩu ồ ạt đã khiến nguồn cung trong nước giảm xuống mức rất thấp kể từ cuối năm 2022 đến nay. Điều này khiến tồn kho thực tế đã giảm mạnh từ cuối năm 2022 và ảnh hưởng tới khối lượng xuất khẩu trong giai đoạn đầu năm 2023.
Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng cà phê toàn cầu ước tăng 6,6 triệu bao so với niên vụ trước lên 172,8 triệu bao trong niên vụ 2022-2023. Chủ yếu là do cây cà phê Arabica của Brazil bước vào năm được mùa theo chu kỳ sản xuất hai năm một lần.
Trong tháng 1, giá cà phê Robusta thế giới tăng mạnh so với cuối năm 2022, đạt mức cao nhất trong 3 tháng, nhờ các quỹ và nhà đầu cơ mua bù cho các hợp đồng đã mạnh tay bán khống từ trước.
Giá cà phê trong ngắn hạn được dự báo tiếp tục phục hồi nhờ nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu sẽ gia tăng trở lại sau hai năm giảm mạnh trong đại dịch và lạm phát toàn cầu sẽ chậm lại trước sự nỗ lực điều hành lãi suất tiền tệ của hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới. Tuy nhiên, kịch bản giá tăng cao kỷ lục như năm 2022 sẽ khó lặp lại bởi sản lượng cà phê trong niên vụ hiện tại vẫn đáp ứng được nhu cầu, thậm chí dư cung.
Tại Việt Nam, cà phê vào giai đoạn ra hoa. Một số tỉnh như Đắk Lắk ghi nhận mầm hoa cà phê ra sớm do trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng mưa phùn, lạnh kéo dài. Tuy nhiên, vì lượng mưa không đủ, kèm theo không khí lạnh khiến hoa cà phê bung không đủ độ, có nguy cơ thối và không đậu trái.
Do trùng với kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán nên xuất khẩu cà phê trong tháng đầu năm thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 1 đạt 142.544 tấn, trị giá 310,4 triệu USD, giảm 38,4% về lượng và 38,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá cà phê xuất khẩu tháng 1 tiếp tục giảm tháng thứ ba liên tiếp xuống còn bình quân 2.178 USD/tấn, thấp hơn 2,5% so với tháng trước và tương đương cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, tại thị trường trong nước giá cà phê lại ghi nhận sự phục hồi mạnh trở lại.
Mặc dù xuất khẩu cà phê năm 2022 đạt ngưỡng kỷ lục, giá xuất khẩu cũng phục hồi mạnh nhưng kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp lại không như kỳ vọng. Doanh thu thuần của nhiều công ty giảm mạnh so với cùng kỳ trong quý IV/2022.
Đơn cử, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafé) cho biết năm 2022 có nhiều yếu tố bất lợi tác động đến hoạt động kinh doanh, sản xuất của công ty như kinh tế thế giới bất ổn, có nguy cơ rơi vào tình trạng suy thoái, cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ chưa chấm dứt, xung đột giữa Nga và Ukraine ngày càng căng thẳng làm ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường hàng hóa nông sản nói chung, trong đó có mặt hàng cà phê.
Ngoài ra, thời tiết biến đổi khó lường, chi phí vật tư phân bón, xăng dầu tăng cao, đầu tư cho vườn cây có phần hạn chế, do đó có ảnh hưởng đến chất lượng vườn cây và năng suất cây trồng.
Trong năm 2023, Tổng công ty dự kiến kế hoạch tổng doanh thu đạt 1.960 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 13,5 tỷ đồng, khắc phục kết quả kinh doanh thua lỗ 19 tỷ đồng năm 2022.
Một doanh nghiệp lớn khác trong ngành là Vinacafé Biên Hoà (Mã: VCF) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh giảm mạnh trong quý IV và cả năm 2022.
Doanh thu của công ty trong quý cuối cùng của năm 2022 giảm 30% xuống 707 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm gần 48% về 107 tỷ đồng do hoạt động kinh doanh ngành hàng ngũ cốc và cà phê hoà tan đi xuống.
Luỹ kế cả năm 2022, doanh thu thuần của công ty đạt 2.207 tỷ đồng, tương đương năm 2021. Do giá vốn và chi phí tài chính năm 2022 đều tăng cao so với năm 2021 nên lợi nhuận sau thuế cả năm của công ty giảm gần 28% còn 319 tỷ đồng.
Với kết quả này, VinaCafé Biên Hòa mới thực hiện được 88% mục tiêu về doanh thu và 64% chỉ tiêu lợi nhuận theo phương án tăng trưởng thấp.
Cà phê Petec (Mã: PCF) cũng lỗ cả năm hơn 2 tỷ đồng. Doanh thu thuần quý IV/2022 của Cà phê Petec giảm hơn 33% xuống 44 tỷ đồng. Giá vốn tăng cao nên lợi gộp còn 1,9 tỷ. Chi phí tài chính gấp đôi cùng kỳ và các chi phí khác khiến công ty lỗ sau thuế 2,7 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 522 triệu đồng. Cả năm, doanh thu thuần của công ty giảm 20% còn 229 tỷ. Công ty từ có lãi 74 triệu đồng năm 2021 sang lỗ sau thuế 2,2 tỷ đồng năm 2022. Như vậy công ty mới thực hiện được 92% kế hoạch doanh thu và không thể hoàn thành mục tiêu có lãi 100 triệu đồng.
Đối với CTCP Cà phê Phước An (Mã: CPA), doanh thu thuần chỉ còn 2 tỷ, chỉ bằng 1/7 so với cùng kỳ. Việc kinh doanh dưới giá vốn khiến công ty lỗ gộp, trong khi cùng kỳ có lãi gộp 110 triệu đồng. Trừ đi các chi phí, Cà phê Phước An lỗ sau thuế gần 8 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ gần 11 tỷ.
Cả năm, doanh thu thuần của Cà phê Phước An tăng 10% lên 64 tỷ đồng. Dù vậy do giá vốn cao và các chi phí đè nặng nên công ty lỗ sau thuế 14 tỷ đồng, lỗ đậm hơn mức lỗ 12 tỷ cùng kỳ.
Năm 2022, công ty dự kiến đạt 116 tỷ đồng doanh thu và lỗ gần 5 tỷ đồng. Như vậy công ty đều không thể hoàn thành mục tiêu đề ra. (nGUỒN:https://etime.danviet.vn/)